Âm Thanh Xưa – Hoài Niệm Cũ

Người sưu tập đồ chơi âm thanh cổ có thể được xem như một kiểu thợ săn kỳ lạ, thích hướng “thú đau thương”, thích lao đầu theo những con mồi đắt giá – theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, tuy nhiên khi đã bắt được, họ nhanh chóng tâm tư về một “con mồi” khác. Từ một thú chơi đơn giản và vừa túi tiền, sở thích này có thể nhanh chóng thành cơn nghiện, nó mang cho người ta sự bứt rứt, bí bách, thôi thúc bản thân phải luôn tìm kiếm những gì đó lạ hơn, khác hơn (không nói đến là nghe có hay hơn gì không nha). Adam Wexler (StereoBuyers) bộc bạch: “Trong sự ám ảnh đó vẫn có những niềm khoái cảm riêng biệt của nó”.

Và trong khi người chơi công nghệ thường đuổi theo những gì mới nhất, dân audiophile lại chú tâm hơn vào tìm kiếm những gì mà họ cho là “có chất” hơn. Nhiều dòng sản phẩm nổi tiếng hiện đã không còn được sản xuất nữa, và việc có thể chiêm ngưỡng hay hơn nữa là sở hữu chúng sẽ khiến bất cứ người sưu tập nào phải làm mọi cách để đạt được. Cứ thử đề cập đến các sản phẩm của Garrard, JBL hay McIntosh sản xuất vào những năm 1950s, ’60s, ’70s và còn chạy tốt cho đến nay thì sẽ thấy dân sưu tập đồ audiophile sẽ “phát cuồng” đến thế nào.

Đây là Exclusive 2401 – ra đời năm 1983, là ngọn đèn không bao giờ tắt trong thế giới âm thanh vintage và là niềm tự hào vô bờ của Pioneer, thực ra thì tiếng của chúng dư sức đánh úp những cặp loa hi-end mới hiện nay. Cả mình cũng rất mê.

“Tìm kiếm và săn đuổi chắc chắn là một phần không thể nào thiếu được. Chính xác hơn là một vài thành phần phần cứng hiện nay không còn được sản xuất theo công nghệ như trước nữa” – ông Wexler nói. Những chiếc bóng đèn chân không ngày xưa được gia công riêng biệt dành cho các nhu cầu sử dụng khác nhau, trong đó có thể kể đến như sử dụng trong chế tạo máy bay, radar hay thiết bị quân sự. Đa số các nguyên liệu hay phương pháp đặc biệt hay nguyên liệu để gia công chúng ở thời điểm hiện tại đã bị cấm sử dụng.

Tuy những thành phần này được gia công với độ bền dự kiến cực cao nhưng một vài nhân tố có thể khiến người sưu tập cảm thấy e dè, trong đó gồm chi phí bảo dưỡng, độ đáng tin cậy của những thành phần đã cũ và các khó khăn khi cần thay thế nếu hư hỏng. Steve Rowell (Audio Classics) cho biết: “Nhiều thành phần cho máy cổ hiện tại đã không còn nữa, từ đó làm việc sửa chữa chúng trở nên khó khăn và rườm rà hơn, chưa kể việc thay linh kiện mới vào máy cũ có khả năng làm biến đổi màu âm đặc trưng, nhưng mà đâu còn gì nữa để mà thay thế. Các kỹ thuật viên có kinh nghiệm cũng rất ít, và thường thì họ đều đầu quân cho các ngành công nghiệp cạnh tranh khác cả rồi”.

Thorens TD124

Thorens TD124 -mâm than tham chiếu của rất nhiều người mê vinyl trên khắp thế giới. Thậm chí nếu search group Facebook, anh em còn thấy cả một cộng đồng người chơi TD124 hơn chục ngàn thành viên nữa cơ. 


Dù vậy các fan âm thanh cổ gạo cội – gồm những người sưu tập, người ghiền, người theo đuổi sự hoàn hảo hay cả người hoài cổ – vẫn bị mê hoặc bởi chất âm ấm áp đặc trưng phát ra từ chiếc turntable Thorens TD 124, hay cổ điển hơn là ánh đèn xanh huyền ảo từ chiếc amp McIntosh MC2505. Họ lùng sục trên mạng để sở hữu cho mình những “vương bài” này với cái giá khá cao.

Điển hình như ở Việt Nam, một cái mâm TD124 được bảo dưỡng kỹ càng, kỹ càng ở đây là các chi tiết quan trọng như bánh tỳ, trục quay, hệ thống phanh hãm phải được kiểm tra, thay mới, ngoài ra thì TD124 còn cần một plinth tốt, có chân chống rung, chưa tính cần, chưa tính kim, ngót ngét đốt chừng 40tr tới 50tr. Trong thế giới mâm cổ thì mấy ông cụ chạy cơ tỳ này luôn được đón chào bởi dân sưu tập, bị cái là chúng hơi ngốn bạc để “kêu cho hay”

 Cơ chế truyền động phức tạp, vững chãi, motor quay mạnh mẽ, Garrad 301 là chiếc vinyl turntable được các lão làng trong bộ môn vinyl săn lùng, yêu thích


Được giới chơi vinyl luôn khao khát, gần như không ai rành vinyl mà không biết đến chiếc turntable chạy cơ tỳ rất kinh điển là Garrard 301. Mức giá của chiếc turntable này hiện tại vẫn nằm trong hàng “bốn số”, sở hữu phần đế bằng nhôm và được kéo bằng bộ nguồn AC cực êm, đi kèm cùng 2 màu xám là kem trắng men. Ba phiên bản của Garrard 301 được sản xuất từ 1954 với tổng số khoảng 65.000 chiếc được bán ra. Adam Wexler nhận xét: “Garrard 301 sở hữu chất âm trung thực và nghe “sướng” hơn, mấy chiếc turntable mới nghe máy móc lắm”. Cá nhân mình thì Garrad 301/401 ở đẳng cao hơn so với TD124 tuy nhiên mức độ cần kiểm tra, bảo dưỡng cũng như trình độ cân chỉnh của người chơi cũng phải ở mức cao.

Các loại người chơi hàng cổ

Chơi hàng cổ cũng chia ra làm hai loại chính. Theo ông Wexler, đầu tiên chính là những người muốn tái tạo cho giống nhất chất lượng nhạc gốc, do “chất âm trung thực, dù cũ hay mới, đều có một tính chất riêng và thiết bị âm thanh cổ đời cũ sẽ càng làm cải thiện sự ấm áp và giàu cảm xúc hơn nữa”. Thứ hai là những người muốn tìm kiếm một chất âm phù hợp nhất đối với họ. “Nhiều người muốn có nhiều bass, người khác lại cần mid còn có người lại muốn treble càng nhiều càng tốt. Từ đó họ tìm kiếm thứ phù hợp nhất với mình”.

Dĩ nhiên, sự ham muốn luôn là một phần trong cuộc tìm kiếm. Theo ông Wexler nhận xét: “Người ta thường chú ý hơn đến các mẫu sản phẩm có thể xuyệt tông với hệ thống có sẵn của mình, hoặc đơn giản là hợp mắt họ. Chiếc turntable Garrard 301 có thể làm tôi chảy nước dãi, nhưng với người khác thì chưa hẳn, nhiều khi họ còn ghét nó nữa”. Nhà sưu tập Bill McLaughlin thì lại đánh giá cao những sản phẩm có vẻ ngoài còn đẹp, vì theo ông “nội thất” bên trong có thể thay đổi được, còn phần faceplate với núm vặn và đồng hồ đo thì hầu như đã ngừng sản xuất cả rồi.

Mclntosh MC275

McIntosh MC275 – mẫu amplifier huyền thoại trong giới amplifier đèn với thiết kế mạch Unity Couple Circuit và biến thế xuất âm đặc biệt được McIntosh giới thiệu năm 1961


Những mẫu sản phẩm độc đáo như chiếc amp McIntosh MC275 khiến nhiều nhà sưu tập phải thèm muốn phần nhiều là do “giá trị lịch sử” cũng như tầm vóc của nó trong ngành âm nhạc cổ. Charlie Randall, CEO của McIntosh, nói: “Nó là mẫu nguyên bản. Cũng giống như người chơi xe luôn muốn sở hữu những chiếc Camaro đời đầu tiên, người chơi đồ âm thanh cũng ghiền chiếc MC275 xuất xưởng đời đầu. Điều này không có nghĩa là những lứa sản phẩm sau có chất lượng dở đi, mà do những chiếc máy sản xuất đầu tiên luôn có một sức thu hút mạnh mẽ hơn cả đối với dân sưu tầm.

Mclntosh MC275 chiếc amplifier huyền thoại

Điều này cũng áp dụng với những quyển sách đồ cổ với ấn bản in sớm nhất”. Chiếc amplifier huyền thoại McIntosh MC275 cũng là một trong những mẫu thiết bị nổi tiếng ngay từ khi nó được ra mắt hồi năm 1961. Là chiếc tube amp truyền thống, MC275 trở thành “ông trùm” của làng thiết bị âm thanh cổ mãi cho tới năm 1970 khi các linh kiện khuếch đại bán dẫn ra đời. Giới kỹ sư làm amplifier đèn đều công nhận rằng : điều làm MC275 trụ vững chính là thiết kế đi trước thời đại của nó, sánh ngang với bất cứ mẫu tube amp nào bạn có thể tìm thấy trên thị trường hiện nay.

McIntosh MC275 cũng được kỷ niệm và tái phát hành thêm một lần nữa từ năm 1993 đến 1996. Có khi không tìm được cả con MC275 cũ, dân chơi lại cố tìm cho ra cặp biến thế xuất âm Trifilar do Hugh Lockhart – kỹ sư thiết kế của McIntosh thời bấy giờ để tự mình ráp MC275.

Các mẫu amp “hàng gốc” cũng tương tự như vậy. Chúng thường được “truyền” lại qua nhiều thế hệ. “Bạn chưa hề sở hữu chiếc đồng hồ Patek Phillippe, bạn chỉ “chăm sóc” nó để sau này truyền cho hậu thế mà thôi”. Câu này xuất phát từ ông Rowell, người từng từ chối đề nghị trao đổi một chiếc Jaguard 1960 lấy chiếc amp McIntosh của mình”.

Người sưu tầm

Người sưu tập cũng luôn mơ về việc tình cờ tìm thấy một linh kiện cổ ngẫu nhiên đang được giấu kín hay nằm bám bụi trong góc cửa hàng bán đồ linh tinh nào đó. Điều này dĩ nhiên khó có khả năng xảy ra mà trong đa số trường hợp bạn sẽ phải móc hầu bao khá “đậm” cho những cửa hàng online danh tiếng để có thể có được những gì mình cần.

Bạn vẫn có thể ngồi nhà và xem trước những gì mình (có thể) sẽ mua trên eBay. “Phương thức” này chả tốn kém gì hết và nhiều khi còn mang đến những ý tưởng mới khi bạn lướt qua các mặt hàng đa dạng. Tuy nhiên nếu bạn muốn bắt đầu sưu tập một cách nghiêm túc, điều đầu tiên cần chú ý đến chính là hầu bao của mình, sau đó là đến uy tín của nơi mà mình muốn mua hàng. Một số cửa hàng có chế độ bán hàng và hậu mãi cũng như sửa chữa rất chi tiết và có lợi cho khách hàng, vì thế hãy tìm hiểu kỹ trước khi mua.

Mua đồ cổ trên Ebay, khi về dân rành đều thay lại các linh kiện như tụ, trở, đèn, bảo dưỡng các núm xoay chỉnh và riêng biến thế nguồn và biến thế xuất âm – vốn là trái tim của amplifier đèn, đều được trân trọng và giữ nguyên


Wexler nói thêm: “Cứ suy nghĩ như bình thường thôi. Nếu thứ gì đó có vòng đời đã quá cũ, nghĩa là chúng ít nhất sẽ cần phải được trùng tu hay làm lại một số thành phần. Bạn cần chú ý và cẩn thận trước khi chính thức móc hầu bao”. Nếu được, tìm kiếm xem có cửa hàng nào ở gần nơi bạn sống hay không, điều này sẽ giúp giảm chi phí sửa chữa cũng như bảo hành khi cần thiết.

Mua bất cứ thứ gì, nhất là khi chúng có tuổi đời đã nửa thế kỷ, luôn sẽ có những rủi ro nhất định. Bạn có thể sẽ sung sướng tìm thấy chiếc amp mà mình hằng ao ước, hoặc tìm ra chi phí sửa chữa phát sinh tiềm tàng của nó. Máy cũ cũng không thể nào chạy mượt mà như máy mới, kém tương thích với những công nghệ hiện tại và khó tìm các thành phần thay thế khi cần. Hãy bù sớt các ưu khuyết điểm để đưa ra quyết định có đáng mua hay không.

JBL Paragon – tượng đài trong kỹ thuật chế tác loa JBL

Các nhà sưu tập nhiều tham vọng sẽ nhắm đến chiếc loa JBL Paragon vì chất âm giàu cảm xúc và trầm lắng mê hoặc của nó. Những người khác có thể sẽ đánh giá cao giá trị thương hiệu và biểu tượng của nó trong ngành âm nhạc cổ. JBL Paragon chỉ được sản xuất 1.000 chiếc và hiện có giá hơn 10.000$ (mẫu 1957). Nhiều nhà phê bình mỉa mai chiếc loa này to như một con xe Volkswagen, tuy nhiên kỹ thuật đóng thùng loa của nó thì chắc chắn không thể chê vào đâu được.

Nguồn: biên tập theo wsj