Âm Thanh Xưa – Hoài Niệm Cũ

Hiện thời trên thị trường có hàng trăm nhãn hiệu loa, từ cổ chí kim, từ rẻ tới đắt.
Trên VNAV, có nhiều người vì niềm đam mê đã nhận xét, đi sâu vào kỹ thuật chế tạo, ở đây tôi không bàn luận thêm nữa. Tôi đơn giản chỉ là một người chơi âm thanh, kỹ sư các hãng đã nguyên cứu và các hãng chế tạo đã bỏ ra hàng đống tiền và thời gian để giải quyết kỹ thuật, phần mình tôi chỉ là người sử dụng sao cho hiệu quả sản phẩm đó mà thôi, chứ không thể giỏi hơn hãng chế tạo được (hà hà).

Loa

Có nhiều loại loa, loa mành, loa tĩnh điện, loa plasma, loa phân tần, loa kèn… Mỗi loại có ưu và nhược điểm khác nhau (các cao thủ trên VNAV đã phân tích). Vì hoài cổ nên tôi thường nghe nhạc vàng (sến), cũng do nghe nhiều (nhiễm bệnh nặng) từ nhỏ nên giờ cũng khó chữa. Mà cũng phải nói thêm rằng, cái môn nhạc sến này ở nước ngoài dân chơi không hiểu nổi vì chẳng theo một trật tự, tiết tấu nào cả… nó theo tâm trạng, cảm xúc thật của người nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn, thế nên có ca sĩ hát được bài này thì hay và hát bài kia thì không hay, vì nhiều cảm xúc và không theo trật tự tiết tấu nên các hãng sản xuất loa và ampli bó tay (bởi vì họ không có loại nhạc này). Nói vui người ta nhận xét rằng bản nhạc mất cân bằng, nhạc gì mà giai điệu tập trung cả ở dải MiD (trung), nhưng dân chơi VN không bó tay, thế mới là VN chứ :). Vậy trong hàng loạt tên tuổi loa, tôi chọn loa toàn dải (full range) vì với dải MiD nó xứng đáng được mệnh danh là Nữ hoàng của loa (loa hi-end đắt tiền, sang trọng thôi chứ lại không được đâu). Tất nhiên đó là ưu điểm của loa full và nó cũng có nhược điểm chứ.

Thứ nhất, dải HIGH (cao) không thể hiện tốt (các hãng chế tạo còn đau đầu, mình thì điên đầu, haha). Để giải quyết, tôi thêm cho nó cái kèn (không phải kèn đám ma, nếu kẹt quá thì cũng được, nhưng tôi muốn chơi…chưa muốn chết, anh em thông cảm). Một số hãng chế tạo bằng cách thêm miệng kèn vào chính giữa (rất giống loa đồng trục, nhưng không phải loại loa này, vì loa đồng trục dù hay nhưng xài phân tần nên độ chi tiết kém hơn), và để tiết giảm chi phí, đa phần các hãng loa không gắn thêm kèn (nhưng mình thì gắn thêm… vì có một bộ để nghe, không cần tiết kiệm, dân chơi mà, hehe).
Loa full vì đánh trực tiếp (không qua phân tần) nên tất nhiên độ chi tiết phải cao hơn loa bình thường rồi (giảm mất tín hiệu tối đa), nhưng thằng này còn bệnh nữa, chưa hết đâu, đó là dải BASS (trầm), bao nhiêu năm qua cả hãng chế tạo, cả dân chơi ta, Tây đều mày mò, chưa có một công thức chuẩn nào để làm được cái thùng nhét (tống giam) em nó vào đấy. Nào là thùng Onken, thùng kèn trước, kèn sau, ma trận… nhiều cao thủ đóng rất đẹp (VN mà) và khá tốn tiền, nhưng đóng vài cái rồi lấy một cái nghe ổn nhất thôi. Tiếng bass xuống sâu, mềm thì lại bị chậm (bản chất tần số âm thanh trầm đi chậm hơn mà, nó bò sau tiếng hát tiếng nhạc như rùa bò ấy, có khi rùa còn nhanh hơn).

 

Tôi thấy có nhiều người đóng thùng Onken, kèn sau… và ma trận rất đắt tiền và đó là một khó khăn không dễ để làm (nghề chơi lắm công phu), các hãng đưa sơ đồ hướng dẫn đóng thùng cho loa Full (không sai đâu), nhưng xin các bạn nhớ cho là vào thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, giờ thì cũng chưa có công thức mẫu để đóng thùng đâu, nhưng loa full bây giờ nên đóng thùng theo kiểu Bass reflex (có lỗ thông hơi), dễ đóng, giá rẻ hơn nhiều, ai cũng làm được, và vấn đề căn bệnh chậm tiếng bass dễ trị hơn nhiều.
Và tôi cũng nói thêm rằng, tôi toàn chơi loa full sản xuất khoảng năm 50 đến 60 (chắc bác loa, ông loa gì đó, haha), sưu tầm mà. Ngày đó các hãng đang đua nhau xây dựng tiếng tăm, đa phần là loa hay và đắt nữa, ngày xưa các bạn có dàn âm thanh được xếp vào hàng quý tộc rồi, còn giờ hạ giá thành, các hãng làm loa thật tệ, cũng là thương hiệu đó, âm thanh tôi nghe không nổi.
Còn giờ, tôi xin tiếp tục về phần sau.

Amply

Bản thân tôi chưa từng là dân kỹ thuật (còn sợ điện nữa chứ, nó cắn là chết). Ampli thì có nhiều loại, này là lớp A, B, AB, D, H… tới giờ và sau này có ông trời mới biết còn lớp gì nữa. Mà không cần quan tâm nhiều, vì tôi chủ yếu là nghe… (mà nghe là chính, còn lớp gì thì dành phần của kỹ sư hãng chế tạo).

Một điều đơn giản ampli hay loa của nước nào thị trường nào thì sẽ mang hơi thở của nước đó (cái gọi là chất âm, cũng có ngoại lệ, nhưng ít thôi). Ví dụ, dân Nhật nghe nhạc rất ồn, dân Anh nghe nhạc phong cách chi tiết và lôi cuốn, dân Ý, dân Pháp nghe nhạc theo phong cách lịch lãm, sang trọng (truyền thống mà). Bạn thấy loa và ampli phảng phất điều này, vì nó sinh ra ở đó.
Không hiểu sao, tai tôi chỉ thích ampli Mỹ (có lẽ do mê $ chăng…) và loa Anh (thích xài Bảng…) và loại cổ (khai quật lên mới chịu). Chỉ vì ampli Mỹ nó mềm mại, chi tiết…hợp với dáng em (loa Anh) và chúng hót nhạc sến rất hay (nhạc khác chưa chắc à, nhạc trẻ tiết tấu mạnh thì ampli Nhật mới trị được, nhạc hòa tấu thì ampli Châu Âu là thuốc chữa).

Ampli Mỹ thì Mac, Altec, Harman, Levinson đều cùng một chất âm và nghe nhạc xưa thật tuyệt, chỉ có điều ở thị trường VN bị đẩy giá theo phong trào cao quá.

IMG_5212
Còn đèn hay bán dẫn thì tùy người thích, ưu điểm đèn dải MiD rất truyền cảm, dải HIGH rất thánh thót, dải Bass rất kém, bán dẫn thì dải Bass tốt, MiD tùy hãng cũng rất hay, riêng dải HIGH nên ghép thêm một cặp kèn tốt, cải thiện rất nhiều.


(Admin – amthanhxua.com)